Đột phá giao thông phát triển vùng Đông Nam bộ

Đông Nam bộ là vùng có dân số đông, dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, GDP. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn đang là điểm nghẽn, cản trở phát triển.
Bộ Chính trị vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Theo nội dung của Nghị quyết, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng là nhiệm vụ chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực kinh tế năng động nhất cả nước này. Ám ảnh ùn tắc

Đột phá giao thông phát triển vùng Đông Nam bộ 1

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường liên kết TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối cảng Cái Mép, CHK quốc tế Long Thành thường xuyên ùn tắc

Chiều 23/10, anh Bùi Xuân Hoà, tài xế xe container chở hàng từ Tiền Giang về Cái Mép lắc đầu ngao ngán khi đã đi hết cao tốc Trung Lương đến TP.HCM thì bị tắc, sau khi ra khỏi Trạm thu phí Chợ Đệm. Đoạn đường dẫn từ trạm thu phí đến đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh) dài tầm 5km, có 3 đèn tín hiệu khiến các phương tiện phải xếp hàng dài chờ.
Vùng Đông Nam bộ bao gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là vùng có kinh tế phát triển nhất Việt Nam, dân số đông và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, GDP, cũng như nhiều yếu tố kinh tế - xã hội khác. Trong vùng có 13 cửa khẩu đường bộ, trong đó có 4 cửa khẩu quốc tế (Hoa Lư, Xa Mát, Mộc Bài, Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Hoàng Diệu, Lộc Thịnh và Phước Tân) và 6 cửa khẩu phụ (Tân Tiến, Kà Tum, Tống Lê Chân, Vạc Sa, Chàng Riệc và Tà Nông).
Anh Hòa cho biết, qua hết đoạn này phải mất hơn 30 phút, tiếp đó là nỗi ám ảnh kẹt xe trên các tuyến Nguyễn Văn Linh, Đồng Văn Cống, nút giao An Phú, cao tốc Long Thành, QL51… “Cao tốc Bến Lức - Long Thành mà xong thì đỡ biết mấy, xe từ miền Tây lên Bến Lức theo cao tốc về Bà Rịa, không phải xuyên qua TP.HCM với nỗi ám ảnh như thế”, anh Hòa than thở. Cuối tuần qua, chị Nguyễn Thị Hiền (TP Thủ Đức) cùng nhóm bạn đi Vũng Tàu chơi cũng ám ảnh bởi cảnh ùn tắc ở QL51: “Vừa mừng thầm khi thoát ra khỏi cao tốc TP.HCM - Long Thành mà không chịu cảnh kẹt xe lại gặp ngay QL51. Chỉ 2 nhịp đèn đỏ nhưng phải mất hơn 30 phút, nhích từng chút một mới qua được”. Theo ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (BVEC), QL51 hiện đang quá tải, không phải chỉ ùn tắc ở trạm thu phí, mà ngay tại các nút giao cũng ùn ứ cục bộ. “Trạm thu phí ùn ứ có thể xả trạm được, nhưng tại các nút giao thì thua. Chúng tôi đã đề xuất đầu tư cầu vượt tại các nút giao để giảm ùn tắc nhưng chưa được chấp thuận”, ông Hà cho biết. Tìm hiểu của PV, hiện ở khu vực Đông Nam bộ mới chỉ có 2 tuyến cao tốc hoàn thành là TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, cả hai hướng tuyến này đều quá tải, có thể xảy ra ùn tắc, kẹt xe bất cứ lúc nào. Ở các hướng khác kết nối giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng vẫn là những tuyến quốc lộ. QL1 từ TP.HCM - Biên Hoà dù đã có cao tốc chia sẻ, nhưng lưu lượng lúc nào cũng đông đúc. Ám ảnh nhất là đoạn QL1 qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, mỗi bên chỉ có 1 làn ô tô, xe cộ xếp hàng nối đuôi nhau. QL13 từ bến xe Miền Đông cũ đến Bình Dương hơn 10 năm qua chưa được nâng cấp, mở rộng. Cứ chiều tan tầm, dòng phương tiện từ TP.HCM đổ về Bình Dương xếp hàng dài. Hay như QL22 hướng lên Tây Ninh là đường Xuyên Á nhưng độc đạo, mỗi bên cũng chỉ 2 làn xe, luôn trong tình trạng ùn tắc, nhất là qua khu vực quận 12, Hóc Môn. Đường bộ đã vậy, đường hàng không cũng không khá gì hơn. Nhiều tuyến đường dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải, khiến việc di chuyển của hành khách rất khó khăn. Bên trong sân bay, khi nhà ga T3 chưa hoàn thành, việc máy bay di chuyển mất 30 phút từ sân đỗ đến đầu đường băng (3km) là chuyện cơm bữa. Huy động mọi nguồn lực đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho hay, để tăng cường kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải trong khu vực Đông Nam bộ, thời gian tới cần tập trung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kết nối vùng với Campuchia, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Tập trung nguồn lực hoàn thành khép kín đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM; tuyến N2; đầu tư mở rộng QL22; nâng cấp QL22B; Xây dựng, mở rộng các đường liên cảng tăng cường kết nối giữa cảng biển với hệ thống quốc lộ; Xây dựng cầu Cát Lái vượt sông Đồng Nai… Bổ sung luồng tuyến kết nối nhanh hướng Đông Tây từ cửa sông Vàm Cỏ tới cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và từ sông Đồng Nai tới sông Thị Vải; Cải tạo các tuyến đường thủy nội địa TP.HCM - Biên Hòa (Đồng Nai), TP.HCM - Bình Dương (Thủ Dầu Một), tuyến sông Sài Gòn - sông Chợ Đệm Bến Lức. Về đường sắt, cần cải tạo đường sắt đầu mối hiện có (đường sắt Bắc - Nam); Xây dựng đường sắt nội đô TP.HCM (các tuyến số 1, 2, 3a, 3b, 5); Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh. Đồng thời, phải triển khai đúng tiến độ dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và hệ thống đường bộ, đường sắt kết nối khu vực với sân bay theo quy hoạch. Ông Mười cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch GTVT đã ban hành, đảm bảo quy hoạch phát triển GTVT phải đồng bộ với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành GTVT. Về chính sách phát triển vận tải, cần đẩy mạnh tái cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên đầu tư cho các phương thức vận tải khối lượng lớn như đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường thuỷ nội địa, đường biển nhằm giảm áp lực cho đường bộ. Cùng với kiểm soát sự phát triển phương tiện cá nhân, cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị như Bến Thành - Suối Tiên, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành. Tổ chức hợp lý các đầu mối vận tải, đặc biệt tại khu vực TP.HCM, giảm thiểu lượng xe trung chuyển phải đi vào trung tâm thành phố… Nhấn mạnh nhu cầu đầu tư cho vùng Đông Nam bộ rất lớn, ông Mười khẳng định, không cách nào khác phải đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước. Cùng đó, phải tranh thủ tối đa các nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình trọng điểm, quy mô lớn, có tác dụng lan tỏa; Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải. Ngoài ra, phải có chính sách cụ thể nhằm đa dạng hóa các loại hình thu hút và tạo nguồn vốn đầu tư từ các nguồn thu khác như: thu phí lưu hành phương tiện (đấu giá biển số, xăng dầu, bến bãi…); thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu; thu từ xử lý vi phạm giao thông. Địa phương chủ động đón đầu cơ hội Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị mở ra không gian và triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam bộ. Để triển khai các mục tiêu đề ra, ông Mãi cho biết, thành phố xin thí điểm việc mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực như đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị - đất đai, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý xã hội, cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; cơ chế phân cấp phân quyền cho TP Thủ Đức. TP.HCM sẽ tập trung làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các cao tốc kết nối; Hoàn thiện các đoạn còn lại của Vành đai 2 và cùng với Đồng Nai nghiên cứu các cầu kết nối quận 7, TP Thủ Đức với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía Đông. “TP kiến nghị sớm mở rộng cao tốc TP.HCM đến sân bay Long Thành. Đây là dự án huyết mạch để giải quyết bài toán giao thông cho sân bay khi đưa vào khai thác”, ông Mãi nói và cho biết thành phố sẽ đón đầu dự án này bằng cách tập trung mở rộng nút giao An Phú, điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo ông Mãi, TP cũng đang phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ GTVT xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” theo tinh thần Nghị quyết 24. Đây là dự án cơ bản sử dụng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang tính khả thi cao do nhà đầu tư là một trong những hãng vận tải tàu biển hàng đầu thế giới. Trong khi đó, với dự án siêu sân bay Long Thành đang được xây dựng, sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025, tỉnh Đồng Nai cũng đã có những chuẩn bị để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cũng như đô thị sân bay. Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài các dự án cao tốc liên kết vùng mà Trung ương thực hiện, tỉnh cũng đang triển khai các tuyến giao thông nội tỉnh để phát huy lợi thế của sân bay như tuyến ĐT770B, ĐT773, ĐT769, 25B và đặc biệt dự án đường 25C kết nối đường Vành đai 3 đến sân bay Long Thành cũng đang được gấp rút triển khai. “Khi các tuyến cao tốc, vành đai được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu kết nối sân bay Long Thành với các địa phương trong vùng”, ông Đức nói. Trong khi đó, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng.
Đề xuất 5 giải pháp quan trọng Sáng 23/10, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trình bày tham luận về “Tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển vùng Đông Nam bộ”. Nội dung tham luận chỉ rõ thực trạng, đồng thời đề ra 5 giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng Đông Nam bộ giai đoạn đến năm 2030. Một là, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Hai là, cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư. Ba là, đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bốn là, sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư. Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2030

Đột phá giao thông phát triển vùng Đông Nam bộ 3

- Hoàn thiện đầu tư cao tốc Bắc - Nam, đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa. - Tiếp tục đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. - Nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Cần Thơ. - Đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 CHK Tân Sơn Nhất, CHK Long Thành giai đoạn 1; hoàn thành nâng cấp CHK Côn Đảo.

Theo Báo Giao Thông (baogiaothong.vn)