Quy hoạch ĐBSCL ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 tại Cần Thơ.
Ngày 26/11, tại Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đầu tư phát triển hạ tầng trong đó ưu tiên phát triển giao thông phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng.
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp và là quy hoạch đầu tiên được lập và triển khai theo luật quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua.
Dự thảo Quy hoạch phải tập trung thể hiện được 5 quan điểm mang tính cốt lõi của quy hoạch vùng ĐBSCL, gồm: phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội; thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung; tăng cường liên kết và tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu bao gồm giao thông, năng lượng, kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở cụ thể hóa các quan điểm chủ đạo nêu trên, cùng với những nội dung quan trọng các của dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch vùng ĐBSCL.
Chia sẻ quan điểm về định hướng phát triển GTVT vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) đánh giá, ngành giao thông vận tải được xác định là một trong những hệ thống kết cấu hạ tầng trụ cột của vùng góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.
Nói về giao thông của vùng, ông Lê Đỗ Mười cho biết, rất nhiều dự án mang tính đột phá đã được đầu tư trong thời gian qua như: Cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Mỹ Lợi, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, dự án nâng cấp hai tuyến đường thủy TP.HCM - Kiên Giang và TP.HCM - Cà Mau...
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng còn nhiều tồn tại, bất cập cần tiếp tục được giải quyết trong giai đoạn 2021 - 2030 để giao thông không còn những nút thắt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến kết nối.
Từ đó, ông Lê Đỗ Mười kiến nghị, để tăng cường đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL trong việc triển khai các dự án mang tính chất kết nối Vùng.
"Đồng thời, nghiên cứu bố trí một khoản mục ngân sách nhà nước để đảm bảo triển khai các dự án ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch Vùng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các giải pháp mới, vật liệu mới nhằm đảm bảo tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của các dự án trong vùng", ông Mười nói.