Hạ tầng giao thông kết nối hứa hẹn một cuộc cách mạng

Hạ tầng giao thông kết nối hứa hẹn một cuộc cách mạng

5 năm tới, bộ mặt hạ tầng giao thông sẽ thay đổi thế nào, có gì khác so với bây giờ? Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT.

20

Ông Lê Đỗ Mười

Đầu tư thực tế cơ bản đáp ứng quy hoạch Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược phát triển tổng thể giao thông cho ngành GTVT, ông đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được trong công tác phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn ngành so với quy hoạch đề ra trong 5 năm qua?

Công tác đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của ngành GTVT trong 5 năm qua đạt được nhiều kết quả khả quan và cơ bản đáp ứng các chiến lược, quy hoạch đề ra. Cụ thể, ở lĩnh vực đường bộ đã hoàn thành khoảng 70 - 80% so với quy hoạch, đặc biệt là việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đã tạo sự kết nối thuận lợi giữa các phương thức vận tải với nhau, góp phần to lớn cho việc thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước. Về đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020, cả nước có 2.000km, tính đến nay, ngành GTVT cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác khoảng gần 1.000km.

Đối với hàng không, đã tiến hành nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế như: Phú Quốc, Cần Thơ, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi,… Đặc biệt, là xây dựng mới CHK quốc tế Vân Đồn, đây là những bước tiến vượt bậc. Đồng thời, chúng ta cũng tiến hành nâng cấp đội tàu bay mới ngày càng hiện đại, kết hợp với việc mở rộng bầu trời và kêu gọi các hãng hàng không mới thành lập.

Trong lĩnh vực đường sắt, ngành GTVT đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là hệ thống tàu khách và đầu tư một số nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu. Về hàng hải, 5 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến lớn khi sắp hoàn thành đầu tư cảng quốc tế Lạch Huyện, đã đưa vào khai thác cảng Cái Mép – Thị Vải và một số cảng biển khác. Ngoài ra, lĩnh vực đường thủy nội địa, so với chiến lược quy hoạch, chúng ta đã tiến hành duy tu, bảo trì và mở rộng một số cảng đường thủy, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Có ý kiến cho rằng, các lĩnh vực trong ngành GTVT phát triển chưa đồng đều khi đường bộ được tập trung đầu tư còn các lĩnh vực đường sắt, đường thủy lại ít được chú trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào? Vì sao đường bộ lại được ưu tiên đầu tư hơn?

Nếu chỉ nhìn vào tổng thể cơ cấu đầu tư của ngành GTVT thì đúng là có sự mất cân đối giữa tỷ lệ đầu tư của đường bộ với đường sắt và đường thủy. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho ngành GTVT rất hạn chế, nguồn vốn được bố trí chỉ đáp ứng khoảng 1/4 so với nhu cầu thực tế, việc chọn đường bộ để ưu tiên đầu tư là giải pháp tối ưu. Bởi, đường bộ được đầu tư đến đâu sẽ khai thác, vận hành ngay tới đó, mang lại hiệu quả ngay và nguồn vốn cho mỗi dự án cũng vừa phải.

"Nếu thực hiện đầu tư được như vậy, trong 5 năm tới, bức tranh về hạ tầng giao thông của ngành GTVT sẽ thay đổi hoàn toàn so với hiện nay. Đặc biệt, các phương thức vận tải trong giai đoạn tới sẽ được kết nối một cách hài hòa, cân bằng tỷ lệ với nhau." Ông Lê Đỗ Mười

Hơn nữa, lĩnh vực đường bộ cũng dễ kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư hơn so với đường sắt và đường thủy nội địa. Thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, hiệu quả từ các dự án đường bộ như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội hóa và khi đưa vào khai thác hiệu quả xã hội rất lớn, rút ngắn thời gian đi lại, tạo động lực phát triển cho toàn bộ các vùng kinh tế trọng điểm dọc tuyến và địa phương nơi dự án đi qua.

Còn đầu tư đường sắt chúng ta đã đầu tư nhưng không phải mở rộng liên tuyến mà chủ yếu tập trung vào phương tiện, hệ thống thông tin tín hiệu và các nhà ga dựa trên đường sắt hiện có, bởi để đầu tư liên thông tuyến đường sắt cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Đối với ĐTNĐ, thời gian qua, chúng ta có dành sự đầu tư cho đường thủy như các dự án WB3, WB4, WB5 nhưng nguồn lực đầu tư chưa nhiều, chưa xứng tầm, đa số hệ thống đường thủy hiện nay là khai thác tự nhiên.

Tới đây, tôi được biết ngành sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đối với đầu tư đường sắt và ĐTNĐ để tạo ra sự cân bằng giữa các lĩnh vực và tạo sự kết nối, khai thác hiệu quả giữa 5 phương thức vận tải.

21
Cả nước đã có gần 1.000km đường cao tốc được đưa vào sử dụng (Trong ảnh: Đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã mở rộng lên 6 làn xe) - Ảnh: K.Linh
Sẽ có một cuộc “lột xác” về hạ tầng giao thông Bộ GTVT đang tập trung triển khai dự án có quy mô rất lớn là đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Công trình này sẽ tạo ra những thay đổi thế nào về diện mạo hạ tầng trong những năm tới, thưa ông?

Đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam là chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT. Theo dự báo, sau khi được nâng cấp, mở rộng, một số đoạn tuyến trên QL1 sẽ mãn tải vào năm 2020. Vì thế, mục tiêu xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đã được đặt ra ngay từ giai đoạn trước năm 2010. Hiện nay, chúng ta đã và đang làm các đoạn trên tuyến cao tốc này để khớp nối lại với nhau. Khi các dự án trên toàn tuyến này hoàn thành theo như nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo ra một động lực vô cùng to lớn đối với sự phát triển KT-XH đất nước, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền, khu vực kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, khi có tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp bộ mặt hạ tầng giao thông thay đổi lớn, nhất là khu vực miền Trung, vùng duyên hải Nam Trung bộ, đồng thời nó sẽ tạo ra sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các phương thức, hệ thống trục ngang, trục dọc của mạng lưới giao thông theo chiến lược quy hoạch đã đề ra.

Theo chiến lược quy hoạch, phát triển GTVT, hệ thống đường sá trong 5 năm tới có gì thay đổi so với hiện nay, thưa ông?

Căn cứ kế hoạch nguồn vốn trung hạn và quy hoạch đã được phê duyệt, giai đoạn tới, chúng ta sẽ tập trung phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Đây sẽ là hai dự án trọng điểm của ngành GTVT. Ngoài ra, ngành GTVT tiếp tục đầu tư đồng bộ nhiều dự án khác theo chiến lược, quy hoạch. Trong đó, đường bộ sẽ mở rộng tiếp các tuyến quốc lộ và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để kết nối liên thông giữa các vùng miền và các phương thức vận tải.

Đối với đường sắt, tiếp tục nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường hiện có, hệ thống nhà ga, thông tin tín hiệu để đáp ứng nhu cầu. ĐTNĐ tập trung duy tu nạo vét và nâng cấp một số luồng tuyến đang bị vướng mắc như kênh Chợ Gạo để nối thông hệ thống đường thủy giữa khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ nhằm hỗ trợ cho đường bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời nâng cấp một số tuyến để hỗ trợ kết nối với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Trong lĩnh vực hàng không, tập trung đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành theo đúng tiến độ Chính phủ đề ra, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài theo kế hoạch trung hạn. Hàng hải tiếp tục nâng cấp, nạo vét các luồng tuyến, đặc biệt là kênh Quan Chánh Bố giai đoạn 2 và mở rộng một số cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang hạn chế như cảng Cái Cui (Cần Thơ) và các cảng ở khu vực miền Trung, nhất là các cảng khu vực vịnh Vân Phong để làm đầu mối giao thông hàng hải thuận lợi.

Giao thông đô thị tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP TP HCM và các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn. Cụ thể, tại TP TP HCM là tuyến đường sắt số 2, kết nối TP TP HCM với cao tốc Long Thành - Dầu Giây; tại Hà Nội tập trung đầu tư tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội và tiếp tục nghiên cứu kết nối tuyến đ

                                                                                                                                                                                                                                Theo Báo Giao Thông